Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, để trang thiết bị y tế xứng đáng là một trong ba yếu tố quan trọng: thuốc - thầy thuốc - trang thiết bị y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung xây dựng hệ thống quản lý trang thiết bị y tế đồng bộ, nhất quán và có đủ năng lực, trình độ.
Trang thiết bị y tế là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của việc thăm khám, điều trị, hỗ trợ tích cực cho thầy thuốc trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực đảm nhận việc khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, sữa chữa và kiểm chuẩn trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ về nguồn nhân lực kỹ thuật trang thiết bị y tế tại 35 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 144 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 66 trung tâm y tế, phòng khám đa khoa thuộc 30 tỉnh/thành phố (năm 2007) thì tỷ lệ cán bộ phụ trách về vật tư, trang thiết bị y tế rất thấp: chỉ có 6% là kỹ sư; 59% là kỹ thuật viên; còn lại 35% là các cán bộ khác (kiêm nhiệm bao gồm: bác sỹ, dược sĩ, y sĩ...).
Báo cáo gần đây nhất về cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý nhân lực kỹ thuật trang thiết bị y tế tại các sở y tế cũng cho thấy, bệnh viện đa khoa tỉnh và bệnh viện huyện của 47/63 tỉnh thành (tháng 6/2011) cũng chỉ ra rằng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật về trang thiết bị y tế hầu hết là kiêm nhiệm; những đơn vị có cán bộ phụ trách kỹ thuật về trang thiết bị y tế thì trình độ chủ yếu là cao đẳng hoặc trung cấp. Nhiều cán bộ được đào tạo từ các chuyên ngành kỹ thuật khác như điện, tin học… thậm chí dược và y, rất ít đơn vị có cán bộ trình độ đại học hoặc trên đại học.
Hậu quả là nhiều cơ sở kỹ thuật và trang thiết bị tại các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương nhiều nơi bị xuống cấp đặc biệt về chất lượng, độ chính xác, độ ổn định, độ an toàn do không được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra, kiểm chuẩn kịp thời; các thiết bị tại các tuyến y tế cơ sở được sử dụng cho đến khi bị hỏng hóc lớn mới được sửa chữa thay thế, gây lãng phí về hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh. Thậm chí, tại một số đơn vị tồn tại tình trạng thiết bị được đầu tư nhưng đắp chiếu hoặc sử dụng không có hiệu quả…
Lý giải vấn đề này, ngành y tế cho rằng, trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt, chủng loại đa dạng, luôn cập nhật ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, thế hệ công nghệ luôn thay đổi nên cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công tác. Bên cạnh đó, do chưa xây dựng được mã ngạch, bậc cho ngành này nên cán bộ tại các cơ sở y tế rất khó có khả năng và điều kiện để phát triển trong nghề nghiệp, đặc biệt là kỹ sư trẻ mới ra trường. Phụ cấp cho cán bộ làm công tác này thời gian qua đã được tăng lên nhưng còn thấp so với đặc thù và yêu cầu công việc...
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Tuấn, Sở Y tế cần phải củng cố, thành lập bộ phận/cán bộ đầu mối chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế trên địa bàn. Ở những nơi có điều kiện, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thành lập Phòng Quản lý Trang thiết bị y tế; củng cố Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và thành lập Phòng quản lý Vật tư – Trang thiết bị y tế tại bệnh viện đa khoa huyện với trên 200 giường bệnh. Các bệnh viện có quy mô nhỏ thành lập bộ phận/cán bộ chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế (tùy theo điều kiện).
Đồng thời, làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung chức danh, mã ngạch, định biên cho cán bộ chuyên trách quản lý trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh. Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí công tác, hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho cán bộ làm công tác về trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế và nguồn kinh phí, nhân lực, phương tiện… nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, sử dụng trang thiết bị y tế. Dựa trên khả năng và quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế, Bộ Y tế (đơn vị sử dụng cán bộ) sẽ xây dựng nội dung, chương trình đào tạo theo nhu cầu của ngành, đào tạo theo địa chỉ, tăng cường công tác đào tạo về quản lý để đáp ứng nhu cầu về quản lý, yêu cầu chuyên môn kỹ thuật…/