Kế hoạch phát triển sự nghiệp Y tế năm 2012


Năm 2012 là năm bản lề để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo đà cho việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 đã đề ra, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.

I. CƠ HỘI & THÁCH THỨC

1. Cơ hội

- Đảng, Quốc hội, Chính phủ ngày càng quan tâm đến ngành Y tế, xác định rõ vai trò quan trọng của sức khỏe trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, coi đầu tư cho sức khỏe là đầu tư trực tiếp cho phát triển bền vững.

- Hệ thống pháp luật liên quan đến CSSK ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho quá trình xây dựng và phát triển hệ thống y tế.

- Tổ chức mạng lưới y tế sau một thời gian có thay đổi nay đã dần ổn định, là điều kiện quan trọng để phát triển trong thời gian tới.

- Nhận thức và sự tham gia của người dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền vào công tác CSSK ngày càng sâu rộng; sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan ban ngành, đoàn thể trong công tác CSSK ngày càng rộng rãi và hiệu quả.

2. Thách thức

- Nhu cầu CSSK của nhân dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường trước; các yếu tố tác động xấu đến sức khỏe ngày càng tăng (môi trường, biến đổi khí hậu, lối sống...).

- Khả năng đáp ứng của ngành Y tế vẫn còn hạn chế, nhiều cơ sở y tế xuống cấp; TTB cũ, lạc hậu, không đồng bộ; CBYT còn thiếu, trình độ chưa cao, cơ cấu và phân bổ CBYT mất cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu CSSK của nhân dân; chi tiêu công cho y tế còn thấp; một số cơ chế chính sách ngành còn chậm đổi mới.

- Thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo hướng công bằng và hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với nhiều chính sách tác động đa chiều đến y tế, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng.

- Đảm bảo cân bằng giữa phát triển y tế cơ sở, CSSK ban đầu để mọi người dân được hưởng dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng với việc phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao để nâng cao trình độ và chất lượng dịch vụ y tế Việt Nam trong bối cảnh chi tiêu công cho y tế còn thấp.

II. MỤC TIÊU & CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục xây dựng hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng dân số, góp phần vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đóng góp tích cực vào phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Không để dịch xảy ra, nếu có hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và chết. Tiếp tục khống chế thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm gan virus B và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…Duy trì kết quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi. Hạn chế tốc độ gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS.

2.2. Tích cực phòng chống và quản lý các bệnh không nhiễm trùng như bệnh tim mạch, ung thư, tai nạn và thương tích, đái tháo đường, bệnh nghề nghiệp, tâm thần, ngộ độc, tự tử, các bệnh nghiện hút, nghiện rượu…

2.3. Nâng cao hiệu quả công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, nhất là dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao để tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng chính sách, người nghèo,người cận nghèo, dân tộc thiểu số, bà mẹ, trẻ em dưới 6 tuổi và người già được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu với việc thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp cụ thể.

2.4. Nâng cao các hoạt động Dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ & trẻ em, đảm bảo dân số ổn định, duy trì mức sinh thấp hợp lý; khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về thể chất.

2.5. Tăng cường hiệu quả các hoạt động của Ngành y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ở tất cả các tuyến trong các lĩnh vực phòng bệnh, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng. Ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong các lĩnh vực hoạt động.

2.6. Củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới ngành y tế các tuyến, ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, triển khai tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia về y tế, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường năng lực quản lý để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành Y tế trong giai đoạn mới.

3. Các chỉ tiêu y tế cơ bản về sức khỏe cần đạt được vào năm 2012

- Mức giảm tỷ lệ sinh:                                                                            0,3 %o

- Tỷ lệ Bác sỹ/vạn dân:                                                                           5,4

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi (Cân nặng/Tuổi):                           16,5%

- Tỷ lệ trẻ em 95%

- Tỷ lệ xã có trạm y tế:                                                                        100%

- Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động:                                          100%

- Tỷ lệ Trạm y tế xã có Bác sỹ:                                                             70%

- Tỷ lệ Trạm y tế xã có YSSN hoặc NHS:                                              >98%

- Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng:                                               <0,3%

- Tỷ lệ xã đạt Tiêu chí chuẩn quốc gia về Y tế (chuẩn mới):                      25%

- Tỷ số chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống (P100.000):                                     66

- Tỷ suất tử vong trẻ em < 1 tuổi (P1.000):                                              15,3

- Tỷ suất tử vong trẻ em < 5 tuổi (P1.000):                                              23

- Tỷ lệ người có nguy cơ ĐTĐ được theo dõi và tư vấn :                          70%

- Thực hiện KCB BHYT tại tuyến xã:                                                     85%

- Tỷ lệ dân số tham gia BHYT:                                                               60%

III. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

- Chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp nhận, bàn giao các trạm y tế xã, phường, thị trấn từ Phòng Y tế về giao cho đơn vị Trung tâm YTDP các huyện, thị xã, thành phố quản lý và đổi tên thành Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (Thực hiện theo Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 18/01/2012 của UBND tỉnh Phú Yên v/v ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Phú Yên theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên bộ Y tế - Nội vụ V/v hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố).

- Tăng cường đầu tư cho y tế xã về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ theo Quyết định 950 của Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu đạt tỷ lệ 25% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn mới vào năm 2012.

- Triển khai tốt các chỉ tiêu y tế trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

2. Tăng cường y tế dự phòng, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế

- Tiếp tục củng cố, ổn định và đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng các tuyến về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ đặc biệt là mạng lưới y tế dự phòng tuyến huyện theo chủ trương chung của Chính phủ.

- Hoàn thành dự án xây dựng mới Trung tâm phòng, phòng HIV/AIDS; Dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ cho labo xét nghiệm của hệ thống Trung tâm Y tế dự phòng Tỉnh để đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2 và từng bước tiến tới trang bị cho tuyến huyện, thị xã, thành phố.

- Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh, chủ động giám sát dịch tễ, không để dịch lớn xảy ra. Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh truyền từ động vật sang người.

- Triển khai hiệu quả các hoạt động sức khỏe môi trường, giám sát, quản lý các chất thải y tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến sức khỏe con người.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, điều trị một số bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, Tiểu đường, Ung thư, Tăng huyết áp...

- Tổ chức và triển khai tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; Chương trình mục tiêu quốc gia: Vệ sinh an toàn thực phẩm, Dân số - KHHGĐ, phòng chống HIV/AIDS...

- Tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế dự phòng.

3. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng

- Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh theo các tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, từng bước chuẩn hóa và nâng hạng các bệnh viện theo quy hoạch ngành y tế đã được UBND Tỉnh phê duyệt, tập trung xây dựng các bệnh viện chuyên khoa Lao, Tâm thần, Sản Nhi...theo Đề án 930 của Chính phủ và các dự án đầu tư, nâng cấp các Bệnh viện đa khoa huyện, Bệnh viện đa khoa khu vực và phòng khám đa khoa khu vực theo đề án 47 của Chính phủ. Phấn đấu trong quý II/2012 chính thức đưa Bệnh viện Sản Nhi đi vào hoạt động và triển khai công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ KCB: tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-BYT ngày 07/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó đặc biệt lưu ý không lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh, thực hiện tốt công tác giáo dục nâng cao y đức. Tập trung và tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu để nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, có các giải pháp để sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế đã và đang được đầu tư trong thời gian vừa qua để giảm bớt và giải quyết về cơ bản tình trạng quá tải. Triển khai thực hiện đúng Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc và TTB y tế.

- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, xây dựng phương án thực hiện Quyết định 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” tại địa phương.

- Tiếp tục thực hiện chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền, củng cố, đầu tư, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở KCB và chất lượng KCB y học cổ truyền. Phát triển y học cổ truyền cả trong hệ thống công lập và ngoài công lập trên cơ sở thực hiện tốt Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị số 24 của Ban bí thư Trung ương.

- Đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các bệnh viện công, nghiên cứu để đề xuất cơ chế phân bổ ngân sách mới cho các bệnh viện. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ y tế. Các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế phát triển phải có các giải pháp cụ thể để khuyến khích phát triển các bệnh viện ngoài công lập.

- Đẩy mạnh công tác tin học, nối mạng với các trung tâm y khoa đầu ngành để trao đổi, hỗ trợ thông tin phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.

- Từng bước xây dựng các bệnh viện xanh - sạch - đẹp, ưu tiên kinh phí để xử lý chất thải bệnh viện nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

4. Nâng cao chất lượng công tác Dân số - KHHGĐ, CSSKSS và phòng chống Suy dinh dưỡng trẻ em

- Xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản và dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020. Chú trọng công tác chăm sóc, quản lý thai nghén, góp phần làm giảm tai biến sản khoa. Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (Cân năng/tuổi) xuống dưới mức 16,5% vào năm 2012.

- Thực hiện tốt Chương trình MTQG Dân số - kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đạt các chỉ tiêu đề ra cho lĩnh vực dân số, năm 2012 duy trì mức giảm sinh của Tỉnh là 0,3 %o. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đặc biệt đề ra các biện pháp khắc phục tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát tốc độ tăng dân số, nâng cao chất lượng việc thử nghiệm, nhân rộng các mô hình, giải pháp can thiệp về kỹ thuật, kinh tế xã hội để phấn đấu đạt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ sinh, và tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thuốc, vắc xin, sinh phẩm & TTB y tế. Phát triển hệ thống sản xuất, lưu thông phân phối và cung ứng thuốc. Bảo đảm an toàn dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm

- Đảm bảo đủ thuốc thiết yếu, vắc xin, sinh phẩm y tế phục vụ cho công tác điều trị, triển khai các biện pháp hữu hiệu để bình ổn giá. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp để sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, từng bước giảm việc lạm dụng thuốc trong điều trị ở các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân. Xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và lưu thông phân phối thuốc, phát triển dược liệu và thuốc đông y. Chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt việc đấu thầu mua thuốc theo quy định góp phần bình ổn giá thuốc trên thị trường. Trong năm 2012, tiếp tục giữ vững thị trường dược phẩm được ổn định và phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế.

- Về trang thiết bị y tế: Đánh giá trang thiết bị, vật tư y tế; Đầu tư trang thiết bị thích hợp cho các tuyến: Cập nhật danh mục trang thiết bị cho các cơ sở y tế tại các tuyến khác nhau, đặc biệt tuyến y tế cơ sở. Xây dựng cơ chế và giải pháp kiểm soát việc xã hội hóa trang thiết bị y tế, cơ sở dữ liệu trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế KCB và YTDP thuộc các tuyến.

- Ban hành quyết định và thực hiện hoạt động đánh giá công nghệ y tế (HTA). Xây dựng và bổ sung cơ chế và giải pháp cập nhật, nâng cao trình độ của các nhân viên hoạt động và chỉ định sử dụng trang thiết bị y tế.

- Tiếp tục kiện toàn Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm đạt tiêu chuẩn GLP- WHO; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về Tài chính

- Đầu tư của Nhà nước, đóng góp của cộng đồng, viện trợ quốc tế, các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ, nhà từ thiện, …

- Duy trì thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các cơ sở y tế công lập.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính công bằng và hiệu quả. Ưu tiên đầu tư cho những lĩnh vực trọng điểm, cho những chương trình có tác động rộng rãi đến sức khỏe và đời sống KT-XH của cộng đồng, theo hướng đầu tư cho những vùng sâu, vùng xa, y tế dự phòng, những chuyên ngành: Lao, Tâm thần, YHCT, Điều dưỡng - PHCN và những trang thiết bị không được thu phí.

- Công khai, minh bạch việc thu - chi phí dịch vụ y tế cho mọi người dân biết; thực hiện chính sách BHYT, phí và viện phí theo đúng qui định, tạo nguồn thu bổ sung đầu tư cho các cơ sở y tế.

2. Về phát triển nguồn nhân lực y tế

- Đảm bảo đủ nhân lực có trình độ cho tất cả các tuyến theo quy định; Bố trí nhân lực cán bộ y tế hợp lý, đủ số lượng và chất lượng, đảm bảo cho Bệnh viện Sản Nhi sớm đi vào hoạt động.

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp nhằm củng cố và phát triển Trường Trung cấp Y tế lên Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên; đẩy mạnh đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhằm bảo đảm nhân lực, số lượng, cơ cấu lao động cho các cơ sở y tế trong thời gian tới.

- Tăng cường đào tạo các chức danh, học vị cao như: Tiến sĩ, Thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, II…thuộc các lĩnh vực Y - Dược cho tất cả các tuyến, chú ý các chuyên khoa đầu ngành, mũi nhọn, cán bộ lãnh đạo, quản lý…

- Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là sử dụng thành thạo các phương tiện khoa học kỹ thuật y dược hiện đại trong công tác KCB.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong việc cử cán bộ y tế di đào tạo tại các trường đại học trong và ngoài nước theo chính sách Nhà nước đã ban hành.

- Tiếp tục triển khai mở rộng việc luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới nhằm bổ sung cán bộ có năng lực, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao chất lượng điều trị cho tuyến dưới, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên; đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, đào tạo, quản lý nhà nước, hoạch định chính sách...

- Rà soát và đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp để đảm bảo đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ y tế ở các chuyên ngành, các tuyến, đặc biệt là để thu hút cán bộ y tế làm việc tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và tuyến y tế cơ sở.

3. Xây dựng hệ thống thông tin y tế

- Triển khai đề án đổi mới đồng bộ Hệ thống chỉ tiêu của Thủ tướng chính phủ trong ngành Y tế: chuẩn hóa hệ thống chỉ tiêu, hoàn thiện chế độ ghi chép ban đầu và chế độ báo cáo thống kê, xây dựng các chương trình điều tra thống kê... Kiện toàn bộ máy làm công tác thống kê, tăng cường tập huấn thống kê cho các cán bộ đang làm công tác thống kê.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý, xử lý và truyền tin. Tăng cường phổ biến số liệu Y tế thông qua trang web thống kê, các ấn phẩm thống kê ( niên giám thống kê, tóm tắt niên giám, phân tích chuyên đề...).

- Từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin y tế phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật và nhu cầu sử dụng của từng tuyến, trong đó có việc nâng câp phần cứng, phát triển phần mềm, xây dựng các phương thức chia sẽ thông tin, gửi báo cáo, số liệu qua internet…Tiến tới triển khai nối mạng giữa Bệnh viện đa khoa Tỉnh với các Bệnh viện, Trung tâm chuyên khoa đầu ngành của Trung ương để hỗ trợ trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

4. Tăng cường năng lực quản lý của ngành y tế

- Nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

- Tăng cường rèn luyện y đức trong đội ngũ cán bộ y tế để xứng đáng với niềm tin của nhân dân và sự tôn vinh của xã hội đối với người thầy thuốc.

- Cải thiện năng lực và chất lượng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch y tế các tuyến. Thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá để sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

- Kiện toàn hệ thống thanh tra y tế đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; nâng cao hiệu lực hoạt động công tác thanh tra.

- Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí; xây dựng các phòng trào thi đua yêu nước; Tiếp tục thực hiện công tác CCHC và tự chủ về tài chính có hiệu quả.

- Tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên cấp trong các hoạt động y tế và trong triển khai các pháp luật, chính sách y tế cơ bản.

5. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe

- Tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức xã hội, cộng đồng và mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

- Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực của hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe từ Tỉnh đến cơ sở.

- Tăng cường hợp tác, trao đổi với các tỉnh bạn, với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về thông tin, tài liệu, ấn phẩm, cùng chia sẽ kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế.

6. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục y tế, văn hóa và thể dục thể thao.

- Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa một cách hợp lý, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước mở rộng các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực y tế; tạo điều kiện để các cơ sở y tế cạnh tranh lành mạnh, hợp tác và cùng phát triển ổn định, lâu dài, không phân biệt y tế công lập hay ngoài công lập, phấn đấu cho mục tiêu chung vì sức khỏe nhân dân.

- Duy trì tốt các mối quan hệ hợp tác quốc tế về y tế đang hoạt động có hiệu quả và tranh thủ mở rộng các quan hệ hợp tác khác theo đúng qui định.

Nguồn tin: www.phuyen.gov.vn



You are here: Home

Liên hệ

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ THIẾT BỊ Y TẾ BẮC VIỆT

VĂN PHÒNG 1: Số 20, ngách 1/48 ngõ 1, phố Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, Hà Nội
VĂN PHÒNG 2: Số 3, ngõ 392, đường Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội
NHÀ MÁY SX: Lô CN3, khu CN Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội
Tel: 024.3785.8603 * 024.66845752 * Fax: 024.62665356
E-mail: info@bacviet.net.vn * Website: http://www.bacviet.net.vn
***

CHI NHÁNH PHÍA NAM

ĐỊA CHỈ: P.204, lầu 2, Tòa nhà Harbour View Tower, 35 Nguyễn Huệ, Q1, TP. Hồ Chí Minh
NHÀ MÁY SX: Xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh
Tel: 028.38217809 * Fax: 028.38218292
E-mail: saigon@bacviet.net.vn
Website: http://www.bacviet.net.vn

CHI NHÁNH MIỀN TRUNG

ĐỊA CHỈ: Số 30,đường Mỹ An 25,phường Mỹ An,quận Ngũ Hành Sơn,thành phố Đà Nẵng
Tel: 0987104478 
E-mail: info@bacviet.net.vn * Website: http://www.bacviet.net.vn
***